Xăng dầu trong nước: Bớt thuế, phí để giảm giá

Giá dầu thô thế giới tiếp tục lao dốc, hiện ở mức 80-82 USD/thùng. Giá xăng A92 tại Singapore từ khoảng 127 USD/thùng ngày 1-8 xuống còn 113,43 USD/thùng ngày 10-8.

Thế nhưng cơ chế điều hành giá xăng dầu quá cứng nhắc và thiếu minh bạch đã làm chậm tiến độ giảm giá trong nước.

Các chuyên gia cho rằng điều hành giá xăng dầu phải hài hòa lợi ích người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp, linh hoạt xử lý giá bán trong bối cảnh giá thế giới giảm từng ngày.

Gánh quá nhiều loại phí, thuế

Theo quy luật thị trường, giá xăng dầu thành phẩm luôn biến động theo giá dầu thô thế giới. Hiện giá dầu thô giao dịch tại Mỹ và Anh đã giảm tới trên 20-22 USD/thùng so với cuối tháng 3-2011, thời điểm xăng A92 trong nước bắt đầu được bán với giá 21.300 đồng/lít.

Tại thị trường nhập khẩu chính của VN là Singapore, giá xăng A92 diễn biến cùng chiều với giá dầu thô thế giới. Từ đầu tháng 8 đến nay, giá xăng A92 đã giảm gần 13,6 USD/thùng. Với mức giảm này, mỗi lít xăng nhập khẩu giảm được 1.780 đồng. Nếu so với thời điểm giá xăng trong nước tăng lên 21.300 đồng/lít, mức giá xăng A92 nhập khẩu cũng đã giảm 5,28 USD/thùng. Tuy nhiên, giá bán lẻ vẫn được giữ nguyên 21.300 đồng/lít.

Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu khẳng định theo quy định của Bộ Tài chính, giá cơ sở được tính theo mức giá nhập khẩu trung bình 30 ngày. Dù từ đầu tháng 8-2011 đến nay giá nhập khẩu đã giảm, doanh nghiệp đã có lời nhưng theo mức 30 ngày thì vẫn lỗ 400-500 đồng/lít xăng dầu tùy loại. Doanh nghiệp lý giải giá nhập khẩu hiện nay có giảm sâu vẫn phải chờ bao giờ giá cơ sở theo mức trung bình 30 ngày thấp hơn giá bán lẻ mới tính đến phương án giảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng do phải chờ giá cơ sở theo giá nhập trung bình 30 ngày đã làm mất cơ hội giảm giá xăng bán lẻ trong nước trong tháng 6. Hiện quy định này cũng cản trở việc điều chỉnh giá xăng trong nước. Do đó, theo các chuyên gia, khi chưa thể giảm giá bán lẻ dựa trên giá cơ sở thì Nhà nước cần xem xét lại một số khoản thuế, phí để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Cụ thể, mỗi lít xăng A92 tính theo giá nhập tại Singapore ngày 10-8 đang phải gánh 5.582 đồng thuế, phí gồm các khoản: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu, lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức... Mặt hàng dầu DO đang phải gánh 6.100 đồng/lít.

Theo TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, giá xăng bán lẻ đã có thể giảm được, vấn đề là cơ quan điều hành, doanh nghiệp đầu mối có muốn giảm hay không. Với các khoản thuế, phí hiện nay, nếu Nhà nước linh hoạt, bớt thu thì có thể giảm được giá xăng. Ví dụ, chỉ cần Nhà nước giảm 100 đồng/lít xăng khi thu thuế, phí, doanh nghiệp chia sẻ 100 đồng lợi nhuận trên mỗi lít xăng với người tiêu dùng thì đã có được 200 đồng/lít để góp vào yếu tố giảm giá bán.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu mối đang dành khoản chiết khấu cho đại lý từ 700-800 đồng/lít xăng cũng có thể xem xét giảm bớt, chia sẻ với người tiêu dùng. Chưa kể giữa tháng 6-2011 khi giá nhập khẩu giảm, cơ sở để giảm giá trong nước đã có, nhưng Bộ Tài chính lại đặt vấn đề tăng thu ngân sách nên đã thu 5% thuế nhập khẩu với dầu diesel.

Các loại thuế, phí xăng dầu
(tính theo giá xăng nhập khẩu tại Singapore ngày 10-8-2011)

Đơn vị tính: đồng/lít

Thuế, phíXăng A92, A95Dầu Diesel 0,05S
Thuế nhập khẩu0830
Thuế tiêu thụ đặc biệt1.5631.660
Thuế giá trị gia tăng1.7191.910
Phí xăng dầu1.000500
Chi phí kinh doanh định mức600600
Lợi nhuận định mức300300
Trích nộp quỹ bình ổn400300
Tổng5.5826.100

Theo thời điểm thay vì “thời kỳ”

Theo dõi diễn biến giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng không có lý do gì để giá xăng chỉ tăng mà không giảm, trong khi giá thế giới liên tục biến động. Khi tăng giá xăng lên 21.300 đồng/lít thì giá thế giới rất cao. Nay giá thế giới đã giảm sâu mà giá trong nước vẫn đứng yên. Theo ông Phong, điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để giảm giá xăng dầu, ông Ngô Trí Long - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - gợi ý cần làm từng bước, trước mắt là giảm bớt thu thuế, phí. Tiếp đó, doanh nghiệp đầu mối cần xem lại mức chiết khấu cho đại lý. Nhà nước và doanh nghiệp dùng những khoản đó để chia sẻ với người tiêu dùng. Liên quan đến việc giá xăng dầu thế giới lao dốc trong khi giá trong nước vẫn giậm chân tại chỗ, ông Ngô Trí Long chỉ ra là do cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước có nhiều điểm bất cập.

“Giá dầu thô, xăng thành phẩm biến động từng ngày nhưng giá trong nước lại cứ phải chờ 30 ngày. Trong khi giá cả nhập khẩu và các yếu tố trong giá bán lẻ thì không minh bạch” - ông Long nói. Cũng theo ông Long, giá cả phải được điều chỉnh theo giá thị trường. Để giá hằng tuần cũng đã là lâu chứ chưa nói đến 30 ngày. Quan điểm của các chuyên gia kinh tế là điều hành giá xăng dầu phải theo thời điểm chứ không phải theo “thời kỳ” như hiện nay. Nếu cứ giữ cách tính giá theo “thời kỳ” thì sẽ có rất nhiều yếu tố chi phối cản trở việc giảm giá bán lẻ.

Ông Ngô Trí Long còn lưu ý phải xem lại trong điều hành giá xăng dầu là trong giá cơ sở theo cách tính của Bộ Tài chính đã bao gồm 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Tức là ngay trong giá cơ sở doanh nghiệp đã có lãi. Giá bán cao hơn giá cơ sở 200 đồng, 300 đồng/lít thì có nghĩa là doanh nghiệp lời 400-500 đồng/lít. Giá cơ sở bằng giá bán lẻ thì doanh nghiệp lãi 300 đồng/lít. Trường hợp giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 300 đồng/lít thì mới hòa vốn chứ không lỗ. Do đó, việc kêu lỗ của doanh nghiệp cần phải xem lại. Theo ông Long, về lâu dài phải bỏ cơ chế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Như ngành viễn thông, từ khi có cạnh tranh giá cước chỉ giảm chứ không tăng.

(Tuổi Trẻ News)

Tin mới hơn
  • Chưa thu phí sử dụng đường bộ trong năm nay
  • Nói và làm: Cứu DN, nhanh, nhiều và dễ dãi?
  • Từ việc tăng lương nghĩ đến bài toán cung – cầu
  • Lương mới, bất cập vẫn cũ
  • Lạm phát 2012: Nhìn thế giới, lo trong nước
  • Tết làm “méo” bức tranh kinh tế tháng 1
  • Tăng trưởng, chỉ số giá và an sinh xã hội
  • Kinh tế Việt Nam: Bàn tay hữu hình hay vô hình đang thắng thế?
  • “Không có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng”
  • Tái cấu trúc, đầu tiên hãy cải tổ hành chính
  • Tăng trưởng tín dụng ngân hàng 2012: Ai ở nhóm nào?
  • Được và mất từ tăng trưởng và lạm phát 2011
  • Điểm nóng Kinh tế 2011: Những con số gây sốc
  • Tái cơ cấu: Ngân hàng mới là “kinh khủng”
  • Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2011 là 18,12%
Tin cũ hơn
  • Nhà đầu tư nước ngoài thống lĩnh thị trường: Khó mà dễ!
  • Khuyến khích doanh nghiệp tham gia kênh đầu tư mới
  • Cà phê cuối tuần: Kinh tế nhà nước và bài học viễn thông
  • TPHCM kiến nghị Thủ tướng khai thông nguồn vốn cho BĐS
  • Phát mại tài sản thế chấp, sao phải chịu thuế?
  • Năm vấn đề ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam
  • Lao động “rẻ hóa mắc”
  • Nghịch lý lỗ-lãi trong kinh doanh xăng dầu
  • Thanh toán giá điện theo thị trường sớm hơn
  • Sẽ chi gần 50 tỷ USD cho ngành điện 10 năm tới
  • Tân Chủ tịch nước: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm!
  • Việc trả lương qua thẻ ATM sẽ được đưa vào Luật Lao động
  • FDI cả nước 7 tháng ước hơn 9 tỷ USD
  • Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Vợ tôi đi chợ về cũng kêu lắm”
  • Miễn thuế quá ít
Thông tin liên hệ
Trụ sở: 60 Nguyễn Trác Luân, Phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Chi nhánh: Cụm 5 Tổ 27, Đường Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 84(4) 6257 8668 | Fax: 84(4) 6299 8686
Website: www.vinatep.vn  | Email: contact@vinatep.vn